Công thức và cách làm kẹo chuối thường được nhiều người tìm kiếm khi chuẩn bị những món ăn cho ngày Tết. Kẹo chuối dẻo ngon, vị ngọt dịu, có chút cay hấp dẫn của gừng, thơm bùi của đậu phộng sẽ làm xiêu lòng cả những ai không ưa thích đồ ngọt. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi đây là món quà vặt phổ biến thường dùng để đãi khách vào dịp Tết đến xuân về.
Kẹo chuối gắn bó với ký ức tuổi thơ của biết bao người. Cứ đến gần Tết, nhà nhà người người lại rục rịch ép chuối, phơi khô, ngào đường. Trong hộp bánh mứt ngày xuân của người dân Nam bộ không thể thiếu món kẹo chuối mềm ngọt, béo thơm để thưởng thức và mời khách.
Không chỉ thơm ngon, kẹo chuối còn là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Những công dụng tuyệt vời của kẹo chuối có thể kể đến như hỗ trợ giảm cân, giảm lượng cholesterol, giải tỏa căng thẳng và ổn định huyết áp. Chỉ với những lý do trên cũng đủ khiến bạn không cần chần chừ thêm mà bắt tay vào cách làm kẹo chuối ngay để nhâm nhi cùng ly trà nóng và chiêu đãi cả nhà.
Cách làm kẹo chuối khô
Nguyên liệu
- Chuối khô: 1kg
- Đường thốt nốt: 1kg
- Đậu phộng rang: 500g
- Mè trắng rang: 200g
- Dứa (thơm): 1 quả
- Tắc (quất): 150g
- Rượu Rhum: 100ml
- Gừng: 100g
- Nước cốt dừa: 300ml
- Cơm dừa: 500g
Các bước làm
Bước 1: Chuối khô bạn mua loại chuối chín được ép mỏng và sấy khô, rồi đem cắt nhỏ. Dứa cho vào máy xay, xay nhuyễn. Tắc vắt lấy nước cốt để riêng, còn vỏ thì cắt sợi nhỏ. Gừng cạo vỏ, rửa sạch rồi cắt sợi hoặc xay nhuyễn. Cơm dừa cạy ra, gọt bỏ phần vỏ nhám, lấy cơm trắng, cắt thành sợi có độ dày khoảng 0,5cm.
Bước 2: Cho đường vào chảo cùng với một ít nước, bật bếp nấu cho tan. Nếu không có đường thốt nốt, bạn có thể sử dụng đường tinh luyện cũng được. Khi đường tan hết, bạn cho dứa xay, nước cốt dừa, nước cốt tắc, chuối khô vào chảo đảo đều. Đun hỗn hợp với lửa nhỏ đến khi chuối mềm nhuyễn, bạn tiếp tục cho cơm dừa, gừng, vỏ tắc và rượu Rhum vào sên.
Bước 3: Khi kẹo bắt đầu đặc lại, đảo thấy nặng tay thì bạn cho đậu phộng rang vào chảo, tiếp tục đảo đều cho hỗn hợp quyện vào nhau. Lưu ý, để thành phẩm kẹo chuối có độ dẻo, dai, không bở thì công đoạn sên kẹo rất quan trọng, nếu sên chưa tới kẹo sẽ bị bã, nếu sên quá lửa kẹo bị cứng.
Bạn có thể kiểm tra kẹo đã được hay chưa bằng cách lấy một miếng kẹo nhỏ thả vào chén nước lạnh. Sau đó dùng tay vo viên lại, nếu kẹo bị bở ra là chưa được, còn kẹo cứng lại, dẻo dính nặng tay, óng lên màu nâu đẹp là đã hoàn thành.
Khi thấy kẹo sệt lại bạn cho đậu phộng vào đảo đều.
Bước 4: Chuẩn bị một khay đựng, trải màng bọc thực phẩm vào, quét thêm một lớp dầu ăn mỏng rồi rắc mè rang lên trên. Kẹo sên xong bạn đổ ra khay, dàn cho đều. Đeo bao tay vào, xoa một lớp dầu mỏng cho khỏi dính rồi dùng tay ém nhẹ lên bề mặt kẹo. Kế đến rắc thêm một lớp mè rang lên trên, dùng màng bọc thực phẩm bọc kẹo lại. Bạn có thể dùng cây cán bột cán cho kẹo phẳng và đều.
Bước 5: Chờ kẹo nguội và kết dính lại, cắt thành từng miếng nhỏ, lăn qua một lớp mè nữa rồi dùng giấy kính mỏng gói lại là xong.
Yêu cầu thành phẩm
Màu sắc: Kẹo chuối sau khi hoàn thiện có màu nâu hoặc cánh gián đậm, có độ dai vừa phải, dẻo mà không dính, thơm mùi chuối và gừng.
Mùi vị: Khi ăn cảm nhận được vị ngon ngọt của chuối, thơm của dứa, cùng vị béo bùi của đậu phộng, ăn ngon và không bị ngán.
Cách bảo quản
KẸO CHUỐI bảo quản tốt nhất trong lọ kín, sử dụng trong vòng 5 – 7 ngày ở nhiệt độ phòng, để nơi khô ráo, thoáng mát.
Nếu thích ăn kẹo lạnh và hơi cứng, bạn cho kẹo chuối vào ngăn mát tủ lạnh, cách này sẽ giúp kẹo chuối tự làm tại nhà bảo quản được lâu hơn.
Một số lưu ý
Cách làm kẹo chuối không quá phức tạp nhưng để có một mẻ kẹo thơm ngon, đúng chuẩn bạn cần lưu ý một số điểm sau:
Chọn chuối chín hoàn toàn để làm kẹo sẽ ngon, ngọt và thơm hơn.
Trong quá trình sên bạn phải đảo đều tay và liên tục, cũng như sên với lửa nhỏ để kẹo không bị cháy.
Nếu không thích ăn mè rang bạn có thể bỏ qua nguyên liệu này. Nếu thích vị thơm bùi của dừa, hãy cho thêm một ít vụn dừa khô vào hỗn hợp kẹo.
-chúc các bạn thành công-
Nguồn: daotaobeptruong.vn